Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng

23/03/2025 Minh Trí

Lê Nguyễn Diệp Chi, lớp 6a1, Trường THCS Lam Sơn, Đà Lạt

Trong muôn vàn tình thương yêu dành cho thiếu niên, nhi đồng, Bác từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, Ngày Khai trường, Tết Trung thu… mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam. Tình cảm ấy của Bác với thiếu niên nhi đồng và của thiếu niên nhi đồng với Bác đã được nhạc sĩ Phong Nhã gửi gắm trọn vẹn qua bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”.

Bài hát mở đầu bằng lời ca “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng?” là một câu hỏi vừa như một sự khẳng định mạnh mẽ về tình cảm sâu đậm của thế hệ trẻ dành cho Bác. Thiếu niên, nhi đồng – những mầm non tương lai của đất nước, luôn dành cho Bác tình yêu trọn vẹn, thuần khiết nhất. Lời ca này gợi em nhớ lại hình ảnh Bác Hồ mỗi khi gặp gỡ thiếu nhi, Bác luôn dành những cử chỉ yêu thương, gần gũi, như người ông đối với cháu, người cha đối với con. Các cháu thiếu nhi thì chạy đến sà vào lòng Bác mà nũng nịu, ôm hôn, vuốt râu, nói cười với Bác. Chính sự giản dị, chân thành của Bác đã tạo nên một mối liên hệ thân tình giữa thế hệ trẻ với Bác, và bài hát đã thể hiện điều đó một cách trọn vẹn.

Rồi giai điệu bài hát đưa người nghe đến lời ca tiếp theo “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh”. Câu hát khắc họa hình ảnh quen thuộc của Bác trong trái tim, tâm thức của thiếu nhi. Đối với em, đây là một trong những câu hát ấn tượng nhất, bởi hình ảnh Bác không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại, mà còn là một người ông, người cha mẫu mực, gần gũi, thân thương. Dáng người cao thanh thoát của Bác như tỏa ra sự uy nghiêm mà không làm mất đi nét giản dị, chân phương, đời thường của một cụ ông mái tóc bạc. Đối với con dân Việt Nam, hình ảnh ấy luôn gợi lên một niềm tự hào vô cùng lớn lao.

“Bác chúng em, nước da nâu vì sương gió” lại là nét vẻ đơn sơ nhưng có ý nghĩa khái quát lớn lao sự hy sinh của Bác cho dân tộc Việt Nam. Nước da nâu ấy là dấu ấn của thời gian của những năm tháng bôn ba khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á, từ châu Mĩ đến châu Phi, từ Đông sang Tây… tìm đường cứu nước. Câu hát như nhắc nhở mỗi người về những gian khổ, hy sinh mà Bác đã trải qua, không phải chỉ để giành lại độc lập cho đất nước mà còn để mang lại tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ như chúng em. Lời hát vừa êm ái, vừa sâu sắc, để lại trong lòng em một niềm kính trọng và biết ơn vô hạn. Lời ca “Bác đã bao năm bôn ba nước ngoài vì giống nòi” lại một lần nữa giúp người nghe hiểu rõ hơn những nỗ lực, cố gắng và sự hy sinh của Bác trong sự nghiệp đấu tranh đấu tranh giải phóng dân tộc, là lời nhắc nhở về sự cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho dân cho nước của Bác. Bác đã tìm ra con đường đưa dân tộc Việt Nam bước lên đài vinh quang chiến thắng, giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi kiếp sống lầm than, kiếp đời nô lệ, để sống đời tự do, tự hào giống nòi con cháu Lạc Hồng. Những lời ca ấy cũng nhắc nhở mỗi người về truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt, nhắc nhớ mỗi người về trách nhiệm phải cố gắng thi đua trong học tập và rèn luyện để viết tiếp những trang sử hào hùng của cha ông trong thời đại mới, xây dựng đất nước vững bền, phồn vinh.

Vì yêu mến, kính trọng, biết ơn và tự hào có Bác nên thiếu nhi “Mong sao Bác sống muôn đời để dìu dắt nhi đồng thành người”. Đó là niềm mong ước cháy bỏng chan chứa tình cảm của thế hệ trẻ với Người Cha, người Bác, người Ông kính yêu. Dù Bác đã ra đi nhưng tinh thần và tư tưởng của Người vẫn mãi còn đó, như một ánh sáng dẫn lối cho em và bao thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hôm nay và mai sau. Em tin tưởng rằng không chỉ em mà biết bao thế hệ thiếu nhi luôn mang trong mình tâm thức Bác luôn bên cạnh, dìu dắt nhi đồng “thành người” trên con đường trưởng thành, để góp một phần nhỏ bé công sức, tài năng, trí tuệ của mình cho đất nước. Điều này cũng chính là động lực để em tự hứa với bản thân phải sống sao cho xứng đáng với những kỳ vọng mà Bác mỗi ngày.

Có thể nói, bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” là một tác phẩm đầy cảm xúc, chứa đựng những ca từ chân thành, mộc mạc, giản dị nhưng toát lên hình ảnh vị chủ tịch kính yêu như người ông thân thương, người cha đáng kính, gần gũi đến lạ thường. Giai điệu của bài hát vẫn âm vang mãi trong đến thế hệ trẻ muôn đời không chỉ khẳng định tình yêu vô bờ của thiếu nhi dành cho Bác mà còn nhắc nhở trách nhiệm của bản thân em trong việc tiếp nối những ước mơ, hy vọng của thế hệ đi trước. Em tự hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện, để trở thành một công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh đúng như mong ước của Bác.